TTO – Hàng ngàn Hộ Kinh Doanh tại chợ An Đông ( Q.5, TP.HCM) đã ký đơn xin giảm thuế vì doanh thu sụt giảm trầm trọng do dịch COVID-19. Đơn xin giảm thuế được gửi đi nhiều nơi như UBND Q.5, Chi cục Thuế Q.5, Công an Q.5, Ban quản lý chợ An Đông…

Dù vắng khách trong thời gian dài nhưng tiểu thương vấn kiên nhẫn đến chợ

Tại các quận khác, nhiều hộ kinh doanh cũng làm đơn xin giảm thuế hoặc ngưng kinh doanh do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID -19.

Chẳng ai mua hàng

Theo các tiểu thương kinh doanh tại chợ An Đông, từ ngày mở chợ bán lại sau Tết Nguyên đán, đa số các quầy không bán được hàng hóa, mãi lực tại chợ gần như bằng 0.

Do đó, tiểu thương thỉnh cầu các cấp lãnh đạo Q.5 xem xét giảm 50% thuế hằng tháng trong thời gian 3 – 6 tháng (bắt đầu tính từ tháng 2-2020) cho toàn bộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ.

Lý giải nguyên nhân, các hộ kinh doanh tại đây cho biết do dịch COVID-19, người dân không dám tập trung vào những nơi đông người, không đến chợ mua hàng. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch, sản xuất kinh doanh của nhiều ngành cũng ngưng trệ. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động mua bán tại chợ.

Rất nhiều sạp mở bán nhưng 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày, thậm chí từ ngày khai trương đến nay không bán được mặt hàng nào.

Trong bối cảnh này, các tiểu thương cho biết tuy nhận thức rất rõ tình hình thiên tai, dịch bệnh là điều hoàn toàn ngoài mong muốn, dù không có người mua hàng nhưng các tiểu thương không thể đóng cửa, bỏ sạp mà hằng ngày vẫn phải đến chợ, mở quầy.

Ra chợ chơi game, xem phim!

Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại chợ An Đông ngày 20-2 cho thấy tình hình ế ẩm bao trùm nhiều ngành hàng. Dạo khắp khu chợ này không còn cảnh nhộn nhịp như trước. Tiếng chào mời, kỳ kèo trả giá, tiếng dán băng keo liên hồi để chuyển hàng đi cũng vắng lặng.

Các tiểu thương người ngủ say, kẻ thức nói chuyện, chơi game, xem phim trên điện thoại.

Anh T. – bán phụ liệu may mặc tại chợ – cho biết dịch bệnh khiến anh “trầy trật, không có ai mua, sợ không trụ nổi”.

Hằng tháng kiôt của anh bán phải nộp khoảng 4 triệu tiền mặt bằng, vệ sinh, điện, máy lạnh, bảo vệ. Bản thân anh còn trụ vì không phải thuê người. Trường hợp các kiôt lớn hơn chi phí cả chục triệu đồng, chưa kể tiền thuê nhân viên.

Ngồi trên ghế nhựa, tay dựa vào kệ dép, chị Nguyễn Thị Hương buồn rầu cho biết bản thân đã bán tại chợ An Đông hơn 13 năm, từ khi có dịch COVID-19, buôn bán càng thê thảm.

Ngoài phần khách ở gần ngại tới chợ, nhiều khách là mối sỉ ở miền Bắc, miền Trung không liên hệ mua giày dép vì ở tỉnh bán cũng không có người mua.

Trước kia, một khách sỉ lấy ít nhất cũng 100 đôi dép/lần, nhưng bây giờ chỉ mua chừng 10-15 đôi.

“Nếu lúc trước bán được 10 thì mùa dịch chỉ bán được 1. Có khi ở chợ nguyên ngày, chiều đóng cửa về mà không bán được đôi dép nào” – chị Hương buồn nói.

Nguồn nguyên liệu làm dép như da, khóa, đinh, đế… được nhập từ Trung Quốc nay cũng không có, không thể gia công số lượng lớn nên khách mua sỉ cũng khó đặt hàng.

Chủ sạp quần áo Long Phụng nở nụ cười gượng gạo vì khách lẻ không tới, khách sỉ ngoài không mua còn lấy nguyên nhân dịch bệnh COVID-19 nên chưa trả tiền.

Không bán được hàng, nhu cầu nhập hàng cũng không có nên các tiểu thương chợ An Đông đều mong muốn được giảm thuế để có thể tiếp tục mở quầy.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Chi cục Thuế Q.5 cho biết đã nhận được đơn kiến nghị giảm thuế của các tiểu thương chợ An Đông và đang yêu cầu các bộ phận rà soát mức thuế của các tiểu thương, báo cáo Cục Thuế TP xin ý kiến.

Lãnh đạo Chi cục Thuế Q.5 cũng thừa nhận dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh, ăn uống, trường học và những ngành liên quan.

Trường học đóng cửa dài hạn từ sau tết, một số hộ bán căngtin, giữ xe trong trường học đã làm đơn xin tạm ngưng kinh doanh vì không phát sinh doanh thu.

Quận 1 nhận 132 đơn xin miễn giảm thuế

Chiều 20-2, lãnh đạo Chi cục Thuế Q.1 cho hay từ sau tết đến nay nơi này đã nhận được 132 đơn xin miễn giảm thuế cũng như ngưng kinh doanh của các hộ kinh doanh trên địa bàn, trong đó có nhiều hộ nêu khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. “Điều này là bất thường so với những năm trước” – lãnh đạo Chi cục Thuế Q.1 nói.

Trước thực tế trên, ông Lê Duy Minh – cục trưởng Cục Thuế TP.HCM – cho biết đang lắng nghe và ghi nhận các phản ảnh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi COVID-19 để báo cáo UBND TP, tham mưu chính sách nhằm gỡ khó cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp.