Các nhà đầu tư, các chuyên gia tài chính, các chủ doanh nghiệp thường dựa vào báo cáo tài chính để đánh giá năng lực, hiệu suất của một công ty từ đó đi đến những quyết định kinh tế như đầu tư, thu hẹp hay mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vậy báo cáo tài chính là gì, cách đọc và phân tích báo cáo tài chính như thế nào? Hãy cùng Kế Toán Apolo tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

1.  Báo cáo tài chính là gì?

báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính (Financial Statement) là một hệ thống bao gồm các bảng biểu, sơ đồ được sử dụng để mô tả về tình hình kinh doanh hay các dòng tiền thuộc doanh nghiệp. Thông thường trong báo cáo tài chính sẽ có những báo cáo tổng hợp về tình hình tài sản, vốn chủ sở hữu và kết quả kinh doanh của công ty trong từng giai đoạn. Các thông tin này có vai trò đáp ứng nhu cầu quản trị của doanh nghiệp, là cơ sở để đưa ra quyết định đầu tư và giúp cơ quan nhà nước quản lí doanh nghiệp.

Theo quy định của luật kế toán, tất cả các doanh nghiệp trực thuộc các ngành, thành phần kinh tế đều phải công bố báo cáo tài chính năm.

2.  Bộ báo cáo tài chính gồm những gì?

+ Một bộ báo cáo tài chính theo Thông tư 200/2014/TT-BTC áp dụng cho các doanh nghiệp lớn bao gồm:

  • Bảng cân đối kế toán theo mẫu số B01-DN
  • Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh theo mẫu số B02-DN
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo mẫu số B03-DN
  • Thuyết minh báo cáo tài chính theo mẫu số B09-DN

Trong đó báo cáo tài chính giữa niên độ đầy đủ sẽ gồm có:

  • Bảng cân đối về kế toán giữa niên độ (Mẫu số B01a-DN).
  • Báo cáo về kết quả của hoạt động kinh doanh giữa niên độ (Mẫu số B02a- DN).
  • BC về hoạt động lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ (Mẫu số B03a-DN).
  • Bản thuyết minh báo cáo tình hình tài chính chọn lọc (Mẫu số B09a-DN).

+ Một bộ báo cáo tài chính theo Thông tư 133/2016/TT-BTC áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bao gồm:

  • Bảng cân đối tài khoản theo mẫu số F01-DNN
  • Báo cáo tình hình tài chính theo mẫu số B01a-DNN hoặc B01b-DNN
  • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo mẫu số B02-DNN
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo mẫu số B03-DNN
  • Bản thuyết minh báo cáo tài chính theo mẫu số B09-DNN

3.  Kỳ lập báo cáo tài chính là khi nào?

+ Kỳ lập báo cáo tài chính giữa niên độ: Được lập vào hàng quý trong năm tài chính.

+ Kỳ lập báo cáo tài chính năm: Các doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính năm theo năm dương lịch hoặc kỳ kế toán năm là 12 tròn sau khi thông báo cho cơ quan thuế.

+ Kỳ lập báo cáo tài chính khác: Các doanh nghiệp có thể lập báo cáo tài chính theo kỳ kế toán khác như tuần, tháng, 6 tháng, 9 tháng… theo yêu cầu của pháp luật, của công ty mẹ hoặc của chủ sở hữu.

4.  Thời hạn nộp báo cáo tài chính là khi nào?

+ Thời hạn nộp báo cáo tài chính giữa niên độ: Chậm nhất là vào ngày thứ 20 khi kết thúc kỳ kế toán quý theo quy định tại Điều 101 Thông tư 200/2014T/T-BTC

Ví dụ: Thời hạn nộp báo cáo tài chính quý II năm 2023 chậm nhất là ngày 20/7/2024

+ Thời hạn nộp báo cáo tài chính năm: Được quy định tại Khoản 3 Điều 29 Luật Kế Toán 2015 chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính.

Ví dụ: Thời hạn nộp báo cáo tài chính của năm 2023 chậm nhất là ngày 30/03/2024

+ Thời hạn nộp báo cáo tài chính khác: Do đơn vị kế toán cấp trên quy định. Đối với trường hợp Doanh nghiệp bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản thời điểm nộp báo cáo tài chính là khi doanh nghiệp bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản.

5.  Cách đọc và phân tích báo cáo tài chính?

Trong bộ báo cáo tài chính sẽ có 3 loại báo cáo quan trọng nhất gồm: Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, Bảng cân đối kế toán, bản lưu chuyển tiền tệ. Khi đọc và phân tích báo cáo tài chính nên đọc theo các bước sau đây:

  • Đọc ý kiến của kiểm toán viên

Đối với mỗi bản báo cáo tài chính ý kiến của kiểm toán viên là hết sức quan trọng, xác nhận tính trung thực của báo cáo đó. Ý kiến của kiểm toán viên thường sẽ bao gồm 4 mức độ: chấp nhận toàn phần, ngoại trừ, không chấp nhận, từ chối. Tương ứng với mức độ đáng tin cậy của báo cáo tài chính. Nếu một bản báo cáo tài chính được chấp nhận toàn phần thì chứng tỏ báo cáo tài chính đã phản ánh chính xác, trung thực về tình hình tài chính của doanh nghiệp và ngược lại.

  • Đọc và phân tích bảng cân đối kế toán
báo cáo tài chính là gì

Bảng cân đối kế toán thể hiện tài sản, nợ phải trả của công ty và vốn chủ sở hữu giúp nắm bắt được tình hình tài chính của doanh nghiệp. Khi đọc bảng cân đối kế toán, cần chú trọng những khoản mục có biến động lớn ảnh hưởng đến quy mô tài chính của doanh nghiệp trong cơ cấu tài sản cũng như nguồn vốn.

Trong bảng cân đối kế toán gồm 2 phần chính: Tài sản và nguồn vốn.

+ Tài sản ngắn hạn: Tài sản ngắn hạn bao gồm Tiền và các khoản tương đương tiền, các khoản phải thu ngắn hạn trong vòng 1 năm và hàng tồn kho. Tài sản ngắn hạn càng nhiều chứng tỏ khả năng thanh toán ngắn hạn của công ty càng tốt.

+ Tài sản dài hạn: Tài sản dài hạn là những tài sản có giá trị lớn, được sử dụng trong nhiều kỳ sản xuất kinh doanh và không thể chuyển thành tiền mặt một cách dễ dàng. Tài sản dài hạn được phân thành tài sản cố định hữu hình (máy móc, thiết bị, nhà đất…) và tài sản cố định vô hình (bằng sáng chế, quyền tác giả…). Chỉ số tài sản dài hạn càng cao cho thấy khả năng thực hiện các khoản nợ dài hạn của doanh nghiệp càng tốt.

+ Các loại nợ phải trả: Nợ phải trả là nghĩa vụ tài chính của công ty, được phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và doanh nghiệp phải có trách nhiệm chi trả. Chỉ số nợ phải trả thấp chứng tỏ doanh nghiệp có mức độ an toàn cao, giảm khả năng doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản hoặc mất khả năng thanh toán và ngược lại.

+ Vốn chủ sở hữu: Bằng tổng giá trị tài sản doanh nghiệp trừ đi số nợ phải trả. Vốn chủ sở hữu càng cao chứng tỏ tỉ lệ tự chủ tài chính của doanh nghiệp càng mạnh và ngược lại.

Trong quá trình phân tích Bảng cân đối kế toán việc so sánh các chỉ số là rất quan trọng. Ví dụ nếu nhận thấy doanh nghiệp có khoản đầu tư dài hạn 10 năm mà khoản vay lại ngắn hạn hơn chỉ 5 năm, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi điều này sẽ gây áp lực lớn về việc trả nợ của doanh nghiệp.

  • Đọc báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh
báo cáo tài chính gồm những gì

Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thể hiện kết quả kinh doanh bao gồm doanh thu và chi phí phát sinh của doanh nghiệp trong kỳ. Trong đó có các chỉ tiêu chính cần quan tâm như sau:

  • Doanh thu thuần = Doanh thu – các khoản giảm trừ doanh thu.
  • Giá vốn hàng bán = Tất cả chi phí để làm ra hàng hóa, dịch vụ.
  • Lợi nhuận gộp = Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán

Về hoạt động tài chính:

  • Doanh thu tài chính đến từ các nguồn như: lãi tiền gửi, lãi nhận từ đầu tư, lãi chênh lệch tỷ giá,…
  • Chi phí tài chính gồm:  Chi phí lãi vay, lỗ chênh lệch tỷ giá, dự phòng các khoản đầu tư tài chính,… phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp.
  • Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được xác định dựa trên lợi nhuận gộp, các chi phí bán hàng và chi phí quản lý phát sinh trong kỳ, doanh thu và chi phí hoạt động tài chính.

Hoạt động khác của doanh nghiệp:

  • Thu nhập khác: Có nguồn từ lãi thanh lý, bán tài sản hay được bồi thường hợp đồng…
  • Chi phí khác: Có nguồn từ lỗ thanh lý, nhượng bán tài sản, phải bồi thường vi phạm hợp đồng…
  • Lợi nhuận khác = Thu nhập khác – Chi phí khác

Lợi nhuận doanh nghiệp thu lại được sau nghĩa vụ thuế là khoản cuối cùng doanh nghiệp sử dụng để chi trả cho chủ sở hữu, các cỏ đông cũng như giữ lại tái đầu tư cho kỳ sau.

Khi đọc báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh nên tách riêng phần doanh thu và chi phí. Tiếp đến, hãy tính toán tỷ trọng của từng doanh thu trong tổng doanh thu, từng chi phí trong tổng chi phí. Sau đó đánh giá sự thay đổi của chúng so với cùng kỳ, để đưa ra nhận xét hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

  • Đọc bảng lưu chuyển tiền tệ
cách lập báo cáo tài chính

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cung cấp chi tiết về tình hình biến động dòng tiền của doanh nghiệp, được phân chia cụ thể theo Hoạt động kinh doanh, Hoạt động đầu tư và Hoạt động tài chính.

  • Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh: Là dòng tiền do doanh nghiệp làm ra chứ không phải từ việc huy động thêm vốn đầu tư hay vay nợ. Phát sinh trong quá trình thanh toán cho nhà cung cấp, khách hàng, cho người lao động, chi trả lãi vay, và nộp các khoản thuế cho nhà nước…  

Khi đọc báo cáo lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động này, nên đặc biệt chú ý đến mục “Khấu hao tài sản cố định”, bởi đây chính là mục cho biết công ty đã mất khoảng bao nhiêu tiền để duy trì hoạt động mỗi năm.

  • Dòng tiền từ hoạt động đầu tư: Bao gồm dòng tiền vào và dòng tiền ra có liên quan đến hoạt động đầu tư, mua sắm, thanh lý,… tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác.

Khi đọc báo cáo lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động đầu tư. Sẽ thể hiện sự chênh lệch giữa dòng tiền ra và vào của doanh nghiệp. Đánh giá được mức độ hiệu quả trong quản lí tài chính của doanh nghiệp.

  • Dòng tiền từ hoạt động tài chính: Là dòng tiền liên quan đến việc tăng/giảm vốn chủ sở hữu (nhận vốn góp mới, thu từ phát hành cổ phiếu, trả cổ tức cho cổ đông…) và vay nợ (chi trả nợ gốc vay, hay vay nợ mới nhận được…).

Khi đọc báo cáo lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính sẽ phản ánh tình hình tài chính, cũng như khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

Lưu ý khi đọc báo cáo lưu chuyển tiền tệ

 Khi đọc và phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ cần lưu ý như sau:

– Lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh là trọng tâm khi nghiên cứu lưu chuyển tiền tệ

– Tiền và các khoản tương đương tiền ở cuối kỳ này có thể sẽ giảm hơn so với kỳ trước. Đây là một dấu hiệu tốt cho thấy những khoản vay trước đó của doanh nghiệp đã được trả.

– Nếu doanh nghiệp trả cổ tức cho các cổ đông một cách đều đặn và dài hạn, chứng tỏ tình hình tài chính của doanh nghiệp ổn định. Hơn nữa điều này còn thể hiện cho việc dòng tiền và lợi nhuận mà doanh nghiệp kê khai trong báo cáo tài chính là trung thực.

KẾT LUẬN

Báo cáo tài chính là một tài liệu hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp là cơ sở để chủ doanh nghiệp quản trị doanh nghiệp, giúp các nhà đầu tư tin tưởng rót vốn vào doanh nghiệp và cũng giúp cơ quan quản lí nhà nước nắm bắt được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Bài viết trên đây của Kế Toán Apolo về báo cáo tài chính hi vọng sẽ hữu ích với quý đọc giả.

Kế Toán Apolo với hơn 6 năm trong lĩnh vực kế toán doanh nghiệp là người bạn đồng hành đáng tin cậy cho hơn 10.000 doanh nghiệp lớn nhỏ. Với tôn chỉ lợi ích của khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi cung cấp dịch vụ kế toán, báo cáo thuế chuyên nghiệp với mức giá ưu đãi nhất thị trường, độ nhanh chóng, chính xác cao và bảo mật tuyệt đối. Liên hệ ngay với chúng tôi nếu quý khách hàng có nhu cầu cần được hỗ trợ.

KẾ TOÁN APOLO – 0904448464

TIẾT KIỆM – HIỆU QUẢ – NHANH CHÓNG – CHUYÊN NGHIỆP – TẬN TÌNH